Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

"...Từ đầu thế kỷ 21, mặc dù Mỹ đã dần dần chuyển từ một nền kinh tế chế tạo sang kinh tế dịch vụ, đưa nhiều hãng xưởng ra nước ngoài, khiến hàng triệu công nhân Mỹ phải thất nghiệp hay phải thay đổi nghề nghiệp một cách nghiệt ngã. Nhưng có một khu vực chế tạo vẫn giữ được thế bền vững của mình trong nội địa Mỹ, đó là công nghiệp quốc phòng, vì giản dị là, Mỹ không thể chia sẻ các công nghệ quốc phòng với các nước như Trung Quốc, chẳng hạn. Những hành động bành trướng hiếu chiến của Bắc Kinh trên các vùng biển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đòi hỏi các nước láng giềng của Trung Quốc phải khẩn trương chỉnh đốn lại kho vũ khí của mình, đồng thời mở ra một vận hội mới cho các công ty quốc phòng Mỹ và qua đó kinh tế Mỹ sẽ hưởng nhiều lợi lộc – Người dịch...."

Trung Quốc có một tàu sân bay – và đang làm các nước láng giềng lo ngại.

Khắp Đông Nam Á hiện nay, từ Đài Loan đến Nam Hàn, và từ Australia đến Philippines, đếnNhật Bản, các nước đang lên kế hoạch đẩy mạnh ngân sách quốc phòng để đối trọng lại một hải quân Trung Quốc ngày càng hiếu chiến. Vào thời điểm này, có vẻ như một trong những quốc gia nói trên, là Nhật Bản, sẵn sàng đứng ra lãnh đạo một liên minh quân sự.

Việc gì đã đưa đến sự thể này, và tình hình này có ý nghĩa gì đối với các nhà đầu tư?

Bối cảnh

Trong mấy tuần qua, một hạm đội hỗn hợp gồm các chiến hạm và tàu đánh cá thương mại Trung Quốc đã và đang xô xát với tàu địa phương Việt Nam trong vùng biển Hoa Nam [Biển Đông], cố giành lấy vị trí chung quanh một giàn khoan dầu mà Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuần trước, cuộc giằng co đã leo thang khi một tàu Trung Quốc húc và làm chìm một tàu cá Việt Nam. (Thủy thủ trên tàu này được các tàu cá Việt Nam khác gần đó cứu sống, nhưng dù sao đi nữa vụ việc này đã đẩy các xung đột thêm một bước leo thang).

Cách đó không xa, bên ngoài duyên hải Philippines, các chiến hạm Trung Quốc đang hàng ngày đe dọa tàu cá ngư dân và đang phong tỏa một tiền đồn Philippines tại một bãi đá ngầm địa phương, không cho tàu Philippines vào tiếp tế lương thực cho binh lính của họ. Và về phía Bắc, sự phẫn nộ của các nước láng giềng tiếp tục bùng lên khi Trung Quốc tuyên bố một “khu nhận diện phòng không” trùm lên gần hết biển Hoa Đông – gồm lãnh thổ mà Nam Hàn và Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.


“Đường chín đoạn” khét tiếng của Trung Quốc, một tuyên bố chủ quyền coi gần hết biển Đông như một lãnh hải độc quyền của Trung Quốc. Những vùng đóng khung biểu thị những vùng Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và Philippines. Ảnh của Wikimedia Commons.

Khi các tin tức thuộc loại này ngày một lan tràn, các nhà phân tích thị trường hải quân tại công ty tư vấn AMI International tiên đoán rằng các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 200 tỷ USD vào việc mua thêm trên 1000 tàu ngầm, các chiến hạm loại nhỏ, và cả các tàu sân bay để củng cố sức mạnh quân sự của mình trong vòng 20 năm tới – biến khu vực này thành một thị trường chiến hạm đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Thậm chí đã có dư luận cho rằng những nước này sẽ liên minh với nhau để “bao vây ngăn chặn” ảnh hưởng của Trung Quốc.

Và Nhật Bản muốn giữ vai trò lãnh đạo trong nỗ lực này.

Mặt trời đang ló dạng

Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi “giải thích lại” Điều 9 Hiến pháp hậu chiến của Nhật Bản. Điều khoản này gồm tuyên bố nổi tiếng của Nhật Bản trong việc từ bỏ “đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Đó là một điều khoản – theo nghĩa đen – thậm chí ngăn cấm nước này có một quân đội gồm “các lực lượng hải, lục, không quân”, cũng như các tiềm năng gây chiến khác. Nhưng nó cũng là một điều khoản gây trở ngại lớn nhất cho khả năng Nhật Bản lãnh đạo một liên minh gồm các nước chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc trong khu vực.

Mặc dù chưa đến nỗi phải thực sự viết lại hiến pháp, nhưng Thủ tướng Abe muốn giải thích điều khoản này theo tinh thần Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều 51 của Hiến chương rõ ràng cho phép các nước hành động “để tự vệ như một cá thể hay một tập thể nếu một cuộc tấn công vũ trang xảy ra chống lại một Thành viên của Liên Hợp Quốc.” Và Abe muốn đòi quyền tự vệ này cho Nhật Bản, bất chấp ngôn từ trong chính bản hiến pháp của nước mình.

Điều này có ý nghĩa gì đối với các nhà đầu tư?

Tờ Washington Post giải thích tầm quan trọng của động thái này như sau: “Bằng cách tạo điều kiện cho việc tự vệ tập thể, Nhật Bản sẽ được phép, chẳng hạn, giúp đỡ một tàu Mỹ đang bị tấn công trên đại dương.” Một cách tương tự, Nhật Bản có thể gửi các lực lượng vũ trang của mình đến giúp các quốc gia đồng minh đang bị tấn công và yêu cầu sự yểm trợ của Nhật Bản. Tiềm ẩn ở đây là cơ hội sinh lợi cho giới đầu tư.

Trước hết và hiển nhiên là, nếu Nhật Bản muốn có khả năng trợ giúp các nước láng giềng đang lâm nguy, họ cần có một quân đội có khả năng đảm nhận những sứ mệnh thuộc loại này. Vì thế, mặc dù các lực lượng tự vệ Nhật Bản vốn đã hoàn toàn có khả năng làm việc đó, nhưng quốc gia này cần phải có những biện pháp để củng cố khả năng này thêm nữa.

Năm ngoái, chính quyền Abe công bố các kế hoạch để đầu tư 240 tỷ USD (một con số khủng khiếp vào chi tiêu quốc phòng) nhằm củng cố quân đội của mình. Danh mục thu mua gồm có máy bay theo dõi tàu ngầm do hãng Boeing [Mỹ] chế tạo, máy bay thám thính không người lái do hãng Northrop Grumman [Mỹ] sản xuất, và máy bay cánh quạt nghiêng V-22 Osprey từ hãng Textron [Mỹ] – được đặc biệt chế tạo để hoạt động từ sàn tàu của hạm đội Nhật Bản mới nhất gồm những tàu khu trục chở trực thăng chiến đấu [helicopter destroyers].

Điều này còn có ý nghĩa gì khác đối với các nhà đầu tư?

Nhưng nói rộng ra, các nhà đầu tư cần xét đến những kết quả dây chuyền có thể xảy ra do việc Nhật Bản đi vào một liên minh mới với các nước láng giềng.

Từ một quan điểm thực tiễn, các liên minh quân sự hoạt động hữu hiệu nhất khi các thành viên sử dụng các loại vũ khí giống nhau. Việc này vừa gia tăng hiệu năng hợp tác trong các cuộc thao diễn quân sự và, ở một mức độ thậm chí cơ bản hơn, vừa giúp các vũ khí này “nói chuyện” dễ dàng với nhau hơn, nhằm ngăn ngừa các vụ bắn lầm do hỏa lực bạn. Đó là lý do tại sao bất cứ khi nào Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ ra trước Quốc hội để xin phép bán một loại vũ khí nào đó cho một đồng minh trong khối NATO, chẳng hạn, cơ quan này chắc chắn phải chứng minh những lợi thế của thương vụ nhằm bảo đảm “khả năng tương tác giữa vũ khí Hoa Kỳ và vũ khí NATO”.

Nếu Nhật Bản tiến hành việc giải thích lại Điều 9 Hiến pháp, và nếu các nước láng giềng bắt đầu dựa vào những cam kết của Nhật Bản, rằng nước này sẽ yểm trợ trong một nỗ lực tự vệ tập thể [collective self-defense], kết quả hợp lý sẽ là, các quốc gia đồng minh sẽ bắt đầu sao chép các thương vụ vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản [tương đương với Bộ Quốc phòng]. Như thế, mỗi khi một công ty quốc phòng Mỹ ký được hợp đồng để đưa loại vũ khí của mình vào trong kho vũ khí Nhật Bản, công ty đó sẽ tránh được phần nào sự cạnh tranh (của các loại vũ khí tương tự sản xuất tại châu Âu, Nga, hay, dĩ nhiên, tại chính Trung Quốc) khi tranh thầu để bán cùng một loại vũ khí cho các đồng minh của Nhật Bản trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kết quả là: Các hành động của Trung Quốc càng trở nên hung hăng tại Biển Đông, thì đó càng là tin mừng cho các công ty sản xuất vũ khí tại Mỹ.

Ngày 08-06-2014

Rich Smith,
Trần Ngọc Cư dịch
Theo Bauxite Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét