Lời Nhà Xuất Bản
Ít có ai viết về những nhục hình trong giai đoạn ở tù với giọng văn bình thản, nhiều khi đến lãnh đạm, như tác giả tập hồi ức này. Tác giả kể chuyện của mình mà đọc cứ có cảm giác như đang nói về một ai khác. Nhưng chính sự bình thản ấy khiến người đọc có thể tin được, rằng tác giả đang viết sự thật, không thêm bớt, không biến mình thành anh hùng, và cũng chẳng biến người khác thành thiếu nhân cách.
Thật sự là vậy. Nhà báo Vũ Ánh chỉ viết tập hồi ức này sau khi được Tòa Soạn Người Việt “order” nhiều lần; và ông viết chỉ cho một độc giả duy nhất: Cháu nội ông, khi cháu hỏi: “Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?”
Tập hồi ức được viết theo cách nhìn và trình bày của một nhà báo, không mang lòng thù hận, nhìn những điều đã qua với một tâm trạng bình thản. Chính vì lẽ này, lớp con cháu của ông, cũng như con cháu hàng trăm ngàn người tù cải tạo khác – những độc giả của thế hệ tương lai – sẽ được biết về một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời thế hệ ông cha mình, một cách thật nhất.
Khởi viết từ tháng Bảy, 2013, đăng hàng tuần trong 31 kỳ liên tục trên mục Sổ Tay Nhật Báo Người Việt, tập hồi ức kết thúc vào ngày 21 tháng Hai, 2014. Hơn một tháng sau, tác giả viết bài nhận định có tựa đề “Hà Nội Vẫn Chưa Đủ Niềm Tin Cởi Trói Báo Chí.” Đây cũng là bài viết cuối cùng của nhà báo Vũ Ánh. Ông qua đời cùng ngày gởi bài báo này đến các đồng nghiệp tại Người Việt.
Nhân kỷ niệm 100 ngày, ngày mất của tác giả, Nhà Xuất Bản Người Việt thực hiện tập sách nhỏ này, để tưởng nhớ đến ông, một nhà báo kỳ cựu, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho một nghề mà ông yêu quý và theo đuổi: Nghề báo.
Phạm Phú Thiện Giao- Chủ Bút Nhật Báo Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét