|
Vòng xoáy bạo lực
Chị Tâm có hai con gái. Một đứa vừa tốt nghiệp đại học, và một đứa mới vào cấp hai. Trong suốt hơn 20 năm trời nuôi dạy con, chị nhớ chỉ đánh con hai lần, cả hai lần đánh con đều xuất phát từ nóng giận không kiềm chế, nhưng sau đó chị đều hối hận vì đã đánh các con. Chị nói:
Chị Tâm: chả giải quyết được gì mà đánh con, đánh nó sợ. Đến con Bống chị vụt một lần nó khóc ngất lên nên sợ quá mẹ chả dám đánh.
Kinh nghiệm ngày nhỏ thường bị cha mẹ đánh giúp chị Tâm nhận ra rằng việc đánh con hoàn toàn không có hiệu quả trong cách dạy con:
Chị Tâm: ngày xưa mình có sợ bố mẹ đánh đâu, đánh chỉ đau lúc đấy, sau đó quên ngay. Trẻ con bây giờ thích mình nói chuyện. Ngày xưa các cụ nhà mình có bao giờ nói chuyện với mình đâu. Cứ điên tiết lên là đánh. Nhiều khi lỗi của một đứa thì lôi cả 4 đứa ra đánh cho một trận, con chị bị đánh đau nhất. Kiểu của bố mẹ chị ngày xưa là như thế.
Quan niệm thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi dường như không còn thích hợp trong thời đại ngày nay. Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý trên thế giới những năm gần đây đã cho thấy quan niệm này gây nhiều tác hại cho trẻ hơn là lợi.
Ngày xưa mình có sợ bố mẹ đánh đâu, đánh chỉ đau lúc đấy, sau đó quên ngay. Trẻ con bây giờ thích mình nói chuyện. Ngày xưa các cụ nhà mình có bao giờ nói chuyện với mình đâu. Cứ điên tiết lên là đánh. Nhiều khi lỗi của một đứa thì lôi cả 4 đứa ra đánh cho một trận...Kiểu của bố mẹ chị ngày xưa là như thế
Chị Tâm
|
|
BS. Phương Thúy: chuyện đánh đít trẻ em và mọi hình thức dạy con bằng vũ lực đều không tốt cả cho nên đây cũng không phải là khám phá mới gì. Lý do dạy con bằng vũ lực hoặc đánh đít, phết tay vào đít hoặc dùng roi hoặc tệ hơn là đấm đá, tức là bạo hành với trẻ con đều được xem là phạm pháp, không những phạm pháp mà còn có hại cho sự phát triển của trẻ. Việc đầu tiên trẻ cảm thấy là không được thương yêu, bị xâm phạm. Điều thứ nhì nữa là khi cha mẹ đánh con như vậy có nghĩa là làm gương cho con, có nghĩa là giải quyết những lỗi lầm và mâu thuẫn bằng vũ lực, dạy con một bài học là ai làm cho mình không vừa ý hoặc không tốt với mình thì mình cứ việc đánh người đó.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ được tiến hành với 1,900 gia đình, dựa trên một dự án nghiên cứu từ trước đó một thập niên do đại học Columbia và Princeton tiến hành bao gồm những trẻ được sinh ra ở 20 thành phố lớn của nước Mỹ từ năm 1998 đến 2000. Những gia đình tham gia nghiên cứu ngay sau khi trẻ được sinh ra và được theo dõi cho đến khi trẻ lớn ở các độ tuổi 1, 3, 5 và 9 tuổi. Các câu hỏi được đưa ra bao gồm trẻ có bị phết đít không và ở mức độ ra sao, và vì sao. Có khoảng 28% các bà mẹ cho biết đã đánh đít trẻ ngay từ năm đầu tiên. Con số này tăng lên đến 57% vào khi trẻ 3 tuổi và ở mức 53% khi trẻ 5 tuổi, 49% khi trẻ 9 tuổi.
Chuyện đánh đít trẻ em và mọi hình thức dạy con bằng vũ lực đều không tốt cả cho nên đây cũng không phải là khám phá mới gì. Lý do dạy con bằng vũ lực hoặc đánh đít, phết tay vào đít hoặc dùng roi hoặc tệ hơn là đấm đá, tức là bạo hành với trẻ con đều được xem là phạm pháp
bác sĩ Phương Thúy (CA. Hoa Kỳ)
|
|
Nếu bạn lỡ đánh con
Cũng chính bởi trẻ rất giỏi trong việc khiêu khích cha mẹ, nhiều người khi nóng tính không giữ nổi bình tĩnh có thể lỡ đánh con. Bác sĩ Phương Thúy cho rằng cha mẹ cần phải phân biệt rõ hai chuyện, đánh con do quan niệm phải đánh để day và đánh con vì lỡ do nóng giận quá mức.
BS. Phương Thúy: có hai thái độ khác nhau. Thứ nhất là mình chịu không nổi rồi, mình cũng như mọi người không giữ được bình tĩnh và mình phát đít cháu nhưng mình biết đó là sai lầm thì cái chuyện sai lầm lẻ tẻ ai cũng làm. Nó khác với thái độ mình cho rằng phát vào đít trẻ là tốt cho con. Đó là hai thái độ khác nhau.
Theo bác sĩ Phương Thúy, chuyện lỡ đánh con một hai cái thì nhiều bậc phụ huynh có thể mắc phải và điều này hoàn toàn có thể thông cảm. Theo bà thì một vài lần như vậy chưa chắc đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ như là việc cha mẹ lấy roi vọt như biện pháp chính trong cách dạy con.
Nhưng nếu bạn lỡ đánh con, bạn sẽ phải làm gì sau đó để tránh làm cho trẻ cảm thấy tổn thương? Chị Tâm đã xin lỗi con sau khi đánh và chị cảm thấy mọi chuyện đã trở nên tốt đẹp hơn sau đó. Hai con gái của chị vẫn gần gũi mẹ và không cảm thấy bị mẹ hắt hủi.
Có hai thái độ khác nhau. Thứ nhất là mình chịu không nổi rồi, mình cũng như mọi người không giữ được bình tĩnh và mình phát đít cháu nhưng mình biết đó là sai lầm thì cái chuyện sai lầm lẻ tẻ ai cũng làm. Nó khác với thái độ mình cho rằng phát vào đít trẻ là tốt cho con. Đó là hai thái độ khác nhau
bác sĩ Phương Thúy
|
BS. Phương Thúy: nó tùy trường hợp. nếu bé 3 hay 5 tuổi, nó tùy trường hợp. Nếu mình thấy sau khi mình lỡ tay mình đánh bé hoặc mình nói câu nặng là con là đứa ngu xuẩn, mất dậy và sau đó mình cảm thấy con mình bắt đầu tự cho là nó ngu và không được thương yêu thì mình phải tìm cơ hội để nói chuyện lại với con và nếu cần thì tùy mức độ thì mình có thể nói không nhất thiết là xin lỗi nhưng đại khái có thể nói hôm trước con làm điều đó sai và mẹ không giữ bình tĩnh và đánh con và mẹ nói câu nặng như vậy. Con cũng biết đó là do nóng giận thôi chứ mẹ thực sự không muốn con phải đau, không muốn đánh con hay nói nặng con. Tùy theo tuổi của bé hiểu chừng nào. Nhưng mình nói như vậy thì mình phải đề phòng mình không muốn trẻ nhân cơ hội đó còn lộng hành hơn nữa. Đó là hành động phải cần được suy nghĩ. Cái sự xin lỗi này không nhất thiết phải là xin lỗi mà là sự diễn tả những gì mà mình biết là mình làm sai, tùy theo trường hợp và tùy theo mức độ trưởng thành của bé.
Với trẻ ở độ tuổi teen tức là từ 13 trở lên, việc xin lỗi trẻ càng phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng hơn nữa, vì theo bác sĩ PHương Thúy, việc cha mẹ xin lỗi có thể làm trẻ lợi dụng cơ hội và có những phản ứng không tốt sau này:
BS. PHương Thúy: các em teen sẽ chớp ngay lấy cơ hội này để sau này quật ngược lại bố mẹ. Cách đối xử với teen rất khác. Các cô cậu teen tự cho mình là đã trưởng thành trong khi hành động rất nông nổi. Cho nên với teen tôi không nghĩ rằng là cần xin lỗi. Tôi cho rằng chuyện người lớn xin lỗi một teen là quá nguy hiểm vì nó tạo cơ hội cho các em vi phạm thêm, lộng hành thêm. Tôi đề nghị là với teen mình không nên nói ngay lúc đó mà vài ngày sau, một tuần sau khi mọi chuyện nó nguội rồi thì có thể đi bách bộ với con, có thể đưa con đi ăn kem rồi hỏi lại chuyện, nhắc lại chuyện mình phải đánh con. Nó phải có đầu có đuôi và nói chuyện với con phải tìm hiểu tại sao con làm điều đó sai và làm cha mẹ tức giận như vậy. thành ra mình nói chuyện trong khuôn khổ, trong hoàn cảnh. Chuyện mình đánh con phải là do trẻ rất hư hỏng và khiêu khích đến mức nào đó mình mới nóng giận cho nên không hoàn toàn là lỗi của mình, mà còn là lỗi của em đã vi phạm kỷ luật, hoặc quá lộng hành. Các em cần nhận ra lỗi của mình là đã làm sai, đã khiêu khích bố mẹ thế nào.
Các bác sĩ tâm lý thừa nhận việc nuôi dạy trẻ là không dễ, nhất là đối với những trẻ bướng bỉnh và cha mẹ còn trẻ, chưa có kinh nghiệm. Bác sĩ Phương Thúy thì đưa ra lời khuyên với các bậc phụ huynh là nên tìm những lớp hướng dẫn nuôi dạy trẻ, tham gia các buổi thảo luận giữa các phụ huynh để có thể tìm ra những giải pháp nuôi dạy thích hợp với con mình.
For magazine: tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.
Việt Hà
phóng viên RFA
Theo RFA
0 nhận xét:
Đăng nhận xét