Chiều 30/6, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, phía Trung Quốc đang duy trì khoảng 114-120 tàu các loại; trong đó có 46-48 tàu Hải cảnh, 13-15 tàu vận tải, 16-18 tàu kéo, 34 tàu cá và 5 tàu quân sự.
Như vậy, phía Trung Quốc đã giảm 2-4 chiếc tàu so với ngày 29/6. Cụ thể, Trung Quốc đã rút 1 tàu quân sự. Trong ngày, vị trí giàn khoan Hải Dương 981 không có sự thay đổi.
Tàu Trung Quốc ghìm tàu Việt Nam |
Tại thực địa giàn khoan Hải Dương 981, trong ngày tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách từ 10-11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ các tàu bảo vệ và giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Khi các tàu Kiểm ngư Việt Nam tiếp cận cách giàn khoan 10-10,5 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật thì lập tức bị các tàu của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc độ, áp sát, ngăn cản không cho các tàu Kiểm ngư cơ động vào gần giàn khoan. Các tàu Kiểm ngư Việt Nam đã cơ động vòng tránh an toàn và kiên trì bám trụ để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật", Đại diện Cục kiểm ngư cho hay.
Ngoài ra, các tàu cá của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt ở phía Tây-Tây Nam, cách giàn khoan 40-44 hải lý. Tại khu vực tàu cá này đánh bắt có khoảng 34 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã tổ chức ngăn cản, ép hướng không cho các tàu cá của ta tiếp cận vào giàn khoan.
Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư Việt Nam, các tàu cá của ngư dân vẫn bám sát ngư trường truyền thống để khai thác thủy sản, bảo đảm an toàn.
Video tàu Trung Quốc đâm trực diện tàu Việt Nam:
Phóng viên của VOV có mặt tại thực địa giàn khoan Hải Dương 981 cập nhật, khi các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư tiến vào khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khoảng 10,5 hải lý, ngay lập tức có 3 tàu Hải cảnh mang số hiệu 46101, 46002 và 12101 ở tốp trước lao ra truy cản và dùng vòi rồng công suất cao để uy hiếp, các tàu ở tốp sau sẵn sàng lao ra truy cản khi các tàu của Việt Nam đến gần giàn khoan.
Các tàu của Trung Quốc luôn bám sát các tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư ở khoảng cách từ 100 đến 300m. Trong đó, tàu Cảnh sát biển 4033 thường xuyên bị các tàu của Trung Quốc luôn có hai tàu Hải cảnh áp sát, sẵn sàng đâm va. Cùng lúc, Trung Quốc sử dụng tàu Hải cảnh và một tàu đầu kéo truy cản các tàu Kiểm ngư với tốc độ cao.
Sự đối lập giữa “chính” và “tà” ỏ điểm nóng Hoàng Sa
Theo Infonet, khác với giọng điệu hăm dọa, không lý lẽ của Trung Quốc, Việt Nam luôn thể hiện chính nghĩa của mình với luận cứ vững chắc, ngay cả khi tàu Trung Quốc có hành động khiêu khích.
Đơn cử như Tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981:
“Tàu nước ngoài chú ý, tàu nước ngoài chú ý!
Lực lượng tuần tra trên biển Việt Nam thông báo: Đây là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, theo Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Mọi hoạt động khảo sát thăm dò dầu khi của các vị tại khu vực này đều xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển, vi phạm luật pháp quốc tết, nhất là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, đi ngược lại tình thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC. Yêu cầu các vị chấm dứt ngay hành động và rời khỏi vùng biển Việt Nam....”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chủ động ứng phó khi Trung Quốc gây khó
Theo Pháp luật TP.HCM, sáng 30/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Phiên họp được trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phiên họp diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi từ ngày 2-5 tới nay, Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.
Theo Thủ tướng, hành động này của Trung Quốc không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt Nam-Trung Quốc mà còn đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Ảnh: CTV |
Trong bối cảnh đặc biệt đó, Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là vừa phải nỗ lực cao nhất bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc vừa phải bằng mọi giải pháp để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh trật tự để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
“Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu đã được đề ra từ đầu năm 2014 trên tinh thần không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2014” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho hay trong phát triển kinh tế, sẽ có hướng để làm sao đó không quá tập trung vào một thị trường nhưng vẫn giữ được hợp tác kinh tế bình thường với Trung Quốc. “Cạnh đó phải có phương án nhằm chủ động ứng phó khi Trung Quốc gây khó khăn về hợp tác kinh tế với ta” - Thủ tướng chỉ đạo.
Theo VTC NewsNews
0 nhận xét:
Đăng nhận xét