Đại sứ Nguyễn Trung Thành công kích những chỉ trích 'thiên lệch' và 'vô căn cứ' |
Việt Nam tuyên bố chấp nhận phần lớn những khuyến nghị về nhân quyền nhưng bác bỏ những đề nghị cụ thể về thả tù nhân và bỏ án tử hình.
Cả thảy có 227 khuyến nghị của các nước đã được đưa ra tại phiên Kiểm định Định kỳ Phổ quát về nhân quyền diễn ra bốn năm một lần ở trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ.
Đại diện của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nói Việt Nam chấp nhận 182 đề nghị và ghi nhận 45 ý kiến nhưng không đồng ý làm theo những ý kiến đó.
Trong số 45 đề nghị bị bác bỏ này có yêu cầu trả tự do cho bốn tù nhân mà Hoa Kỳ đưa ra trong phiên kiểm điểm nhân quyền hồi tháng Hai.
Tuy nhiên một người trong số này, ông Cù Huy Hà Vũ, hiện đang ở Hoa Kỳ vì lý do sức khỏe.
Các đề nghị khác bị bác cũng bao gồm khuyến cáo sửa đổi một số điều luật bị cho là ngăn cản tự do ngôn luận và hủy án tử hình.
Ông Thành cũng chỉ trích những ý kiến "thiên lệch" và "vô văn cứ" của một số đại diện các tổ chức dân sự và nhân quyền tại phiên họp hôm 20/6, những người nói Việt Nam tiếp tục hạn chế quyền tự do ngôn luận, dân chủ hình thức và cầm tù những người bày tỏ chính kiến trong những điều kiện hà khắc.
Ông nói những người này không hiểu rõ tình hình Việt Nam và thậm chí "có dụng ý xấu".
'Cam kết thấp'
Các nhà hoạt động đã có mặt ở Liên Hiệp Quốc trước phiên họp về Việt Nam |
Trước khi diễn ra phiên họp, các nhà hoạt động Nguyễn Quang A, Phạm Lê Vương Các, Nguyễn Thị Vy Hạnh và Trịnh Hữu Long, những người có mặt tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc để tham gia phiên họp buổi chiều, đã tham gia tọa đàm trực tuyến với BBC.
Trong tọa đàm video trực tuyến từ 19:00-19:30 giờ Hà Nội, bốn nhà hoạt động cho rằng tình hình nhân quyền Việt Nam sẽ cải thiện dù ở những mức độ khác nhau.
Tiến sỹ Quang A nói: "Cái quan trọng là họ thực hiện những cam kết đó như thế nào, còn cam kết trên giấy mà không thực hiện trên thực tế thì đều vô nghĩa."
Ông cũng nói các tổ chức dân sự tự thành lập ở Việt Nam đều coi mình là hợp pháp dù chính quyền không thừa nhận và không cho đăng ký.
Vị tiến sỹ nói thêm: "Tôi xin lưu ý khán giả rằng có một tổ chức rất lớn ở Việt Nam cũng hoạt động giống hệt như chúng tôi, tức là không chính thức và chưa có đăng ký bao giờ cả và tôi không gọi họ là bất hợp pháp đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm nay rồi hoạt động [không có đăng ký].
"Tôi không biết là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giới thiệu cho tôi được là đăng ký của Đảng Cộng sản Việt Nam với chính quyền ở chỗ nào hay không?
"Thế thì, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chỉ là một tổ chức hoạt động phi chính thức, như các tổ chức xã hội dân sự phi chính thức bây giờ."
Ông nói Đảng Cộng sản Việt Nam nên tạo khuôn khổ pháp luật để các tổ chức xã hội dân sự hoạt động để góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.
'Bớt thành kiến'
'Chỉ là mặc cả chính trị trước sức ép' |
Ông cũng nói trong tọa đàm rằng ông mong người dân "bớt thành kiến" với các nhà hoạt động và nên nhìn những đòi hỏi của họ với chính quyền theo cách tích cực hơn.
Trang web VietnamUPR cho biết thêm sự có mặt của bốn nhà hoạt động ở Geneva chỉ là khởi đầu của cuộc vận động nhân quyền cho Việt Nam ở châu Âu kéo dài trong hai tuần.
VietnamUPR cũng dẫn lời Tiến sỹ Quang A nói Việt Nam chỉ đồng ý với 96 trong tổng số 123 khuyến nghị trong lần họp hồi năm 2009 và ông xem đó là sự "cam kết rất thấp" về nhân quyền.
Mặc dù vậy Việt Nam đã để Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ tới Hoa Kỳ chữa bệnh sau phiên họp UPR hồi tháng Hai trong đó Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam trả tự do cho ông và ba nhà hoạt động khác.
Đa số các khuyến nghị được đưa ra hồi tháng Hai tập trung vào việc cải thiện nhân quyền qua sửa đổi luật, trả tự do cho những người bị giam giữ sai trái và mời các quan sát viên Liên Hiệp Quốc tới tìm hiểu tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Khi đó các nhà hoạt động người Việt cũng nói với BBC Tiếng Việt qua tọa đàm video trực tiếp từ Geneva về chuyện tình hình nhân quyền của Việt Nam còn cần phải cải thiện nhiều.
Theo BBC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét