Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Nếu Trung Quốc phản đối điều này và không tham gia các cuộc hội đàm để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, Mỹ sẽ cùng với các bên liên quan khác xem xét các biện pháp trừng phạt Trung Quốc.

Thái độ và cách hành xử của Việt Nam đã được đánh giá rất cao. Bất chấp tình thế rất khó khăn, chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giữ được lập trường hết sức kiềm chế.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Nhân dịp này phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Kazuyuki Hamada, Thượng nghị sỹ phụ trách Khối Âu-Mỹ thuộc Quốc hội Nhật Bản. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động leo thang rất nguy hiểm, sẽ dẫn đến những bùng phát căng thẳng mới về vấn đề chủ quyền, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực và tự do, an ninh hàng hải. Ngài đánh giá thế nào về sự kiện này?

Thượng nghị sỹ Nhật Bản Kazuyuki Hamada: Như Thủ tướng Shinzo Abe của chúng tôi đã khẳng định tại Đối thoại Shangri-La 13 ở Singapore, việc đảm bảm an ninh và hoạt động khai thác tài nguyên tại Biển Đông cần phải được kiểm soát và quản lý dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trước khi Thủ tướng lên đường đến Singapore, tôi đã có buổi trao đổi với Thủ tướng và tham vấn Ngài nên tận dụng cơ hội này để thúc đẩy đối thoại hòa bình với tất cả các bên liên quan. Theo tôi, Thủ tướng đã làm rất tốt. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên không phải do con người tạo ra mà được hình thành bởi một quá trình kiến tạo hàng triệu năm của trái đất. Chúng ta cần phải tiến hành khai thác một cách có kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ đất và biển. Lịch sử đã chứng minh, việc đơn phương hay độc chiếm khai thác dựa trên sức mạnh sẽ gặp phải những đáp trả tất yếu.

Vai trò của Nhật Bản trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và an ninh hành hải? Hành động hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã tác động đến chính sách quốc phòng của Nhật Bản đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng như thế nào?

Thượng nghị sỹ Kazuyuki Hamada: Vai trò của Nhật Bản chính là khẳng định và đảm bảo nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế và các biện pháp tuân thủ luật pháp trong giải quyết các vấn đề tranh chấp và xung đột. Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các thách thức bằng biện pháp hòa bình cũng như đóng vai trò chủ đạo trong cơ chế đó với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Cùng với các bên liên quan trong khu vực, Nhật Bản sẵn sàng phối hợp giải quyết các xung đột mới trỗi dậy thông qua các đối thoại mang tính xây dựng và các nguyên tắc tham vấn đồng thuận chung.

Ảnh: Kiên Trung

Việc hạ đặt giàn khoan dầu khí của Trung Quốc đã gây quan ngại nghiêm trọng đối với toàn khu vực, bao gồm Nhật Bản. Điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh và môi trường hàng hải trong toàn khu vực. Đã có rất nhiều hội thảo, diễn đàn chính trị và an ninh ở Nhật Bản thảo luận về ý đồ của Trung Quốc và điều này cũng đẩy mạnh các cuộc hội đàm an ninh tập thể do Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì với sự hỗ trợ của Mỹ.

Theo ông, thái độ, quan điểm của Mỹ đối với sự kiện này ra sao? Mỹ sẽ có phản ứng như thế nào nếu Trung Quốc không rút giàn khoan trái phép ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Thượng nghị sỹ Kazuyuki Hamada: Chính phủ Mỹ đã tuyên bố rõ ràng rằng các động thái vũ lực sẽ phải gánh chịu những đáp trả mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel tuyên bố Mỹ luôn theo sát những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên thực địa và không phận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng Hagel cũng khẳng định Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất cứ quốc gia nào để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền. Nếu Trung Quốc phản đối điều này và không tham gia các cuộc hội đàm để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, Mỹ sẽ cùng với các bên liên quan khác xem xét các biện pháp trừng phạt Trung Quốc.

Đánh giá ảnh hưởng của Diễn đàn Shangri-La 2014 đối với an ninh và hợp tác khu vực trong bối cảnh căng thẳng biển Đông gia tăng.

Thượng nghị sỹ Kazuyuki Hamada: Đối thoại Shangri-La có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực giúp họ có một diễn đàn để thảo luận, trao đổi trực tiếp. Thủ tướng Abe đã khẳng định rằng tất cả các xung đột và tranh chấp cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và mang tính xây dựng. Đã có rất nhiều cuộc trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Nhật Bản. Sự tham gia của Mỹ, Anh, Australia và New Zealand có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sáng kiến của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhằm thúc đẩy một cuộc đối thoại hòa bình là rất ấn tượng. Tôi chắc rằng đã có rất nhiều cuộc thảo luận mang tính xây dựng sau các cuộc họp chính thức.

Đánh giá, nhận xét về lập trường, quan điểm và cách ứng xử của Việt Nam trong giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nói riêng và giải quyết tranh chấp ở biển Đông nói chung?

Thượng nghị sỹ Kazuyuki Hamada: Thái độ và cách hành xử của Việt Nam đã được đánh giá rất cao. Bất chấp tình thế rất khó khăn, chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giữ được lập trường hết sức kiềm chế. Dư luận truyền thông và nhân dân cũng như chính phủ Nhật Bản rất khâm phục thái độ kiềm chế của Việt Nam trước Trung Quốc. Cùng với Mỹ và các nước ASEAN, Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay một cách hòa bình.

Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần làm gì để ngăn chặn hành động này của Trung Quốc?

Thượng nghị sỹ Kazuyuki Hamada: Những gì mà Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần phải làm là hết sức rõ ràng. Trước hết, cần phải thiết lập các quy tắc giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình. Thứ hai, cần phải vận động cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức dân sự gây áp lực buộc chính phủ ngồi vào bàn đàm phán. Các thể chế kinh tế và tài chính cũng cần phải tham gia tìm kiếm một giải pháp đồng thuận chung. Thứ ba, cần sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường để tiến hành khai thác tài nguyên dưới sự giám sát của các chuyên gia quốc tế. Biển là tài sản chung của toàn cầu. Tài nguyên của biển không thuộc về bất cứ quốc gia riêng biệt nào mà thuộc về cả thế giới. Đây là những thay đổi căn bản tổng thể mà chúng ta cần phải theo đuổi.

Xin cảm ơn tiến sỹ!

Theo Vietnam+

0 nhận xét:

Đăng nhận xét