Và cho đến bây giờ thì Trung Cộng vẫn hoàn toàn làm chủ tình thế, muốn neo giàn khoan đến chừng nào, muốn kéo đi đâu, làm gì, bao giờ rút...là tùy theo ý họ. Không những thế, họ còn đâm, húc, rượt đuổi tàu chấp pháp Việt Nam chạy...tóe khói, tấn công, đánh chìm tàu cá, làm ngư dân Việt bị thương, bị mất tích...mà không thèm quan tâm, lo ngại bất cứ cái gì.
|
Hẳn nhiên, trước khi tiến hành bước đi ngang ngược này, tập đoàn Trung Nam Hải đã ngồi tính toán rất kỹ, từ thời gian, địa điểm, tại sao lại chọn Việt Nam để khiêu khích mà không, hay chưa phải, là nước khác...Và thực tế có vẻ cho thấy họ đã tính đúng.
Nhà cầm quyền Việt Nam như từ trước tới giờ vẫn vậy, dù có phản ứng mạnh, nhưng vẫn là bằng...ngôn từ, sử dụng các kênh ngoại giao, kêu gọi Trung Cộng rút lui hoặc đàm phán, kêu gọi các nước cùng lên tiếng ủng hộ...Tịnh không dám đưa tàu quân sự ra đối phó với lực lượng tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Cộng, không dám chủ động tấn công, cũng không dám bắt giữ tàu Trung Quốc vì đã có những hành động vô nhân đạo như đánh chìm tàu cá ngư dân Việt.
Những miếng võ phản đối mồm hay khổ nhục kế đó Bắc Kinh đã lường trước cả. Bắc Kinh cũng biết luôn Hà Nội vẫn còn một số lá bài để chơi, vẫn còn đường thoát ra, nhưng tự trói tay mình và không dám sử dụng.
Chẳng hạn như sử dụng nguồn sức mạnh của nhân dân thì chỉ cần qua mấy vụ bạo động, chẳng biết do phe thân Tàu hay do Tàu giật dây, Hà Nội đã sợ lửa bùng to, phải tự tay đàn áp, cấm tiệt người dân không được xuống đường biểu tình chống Tàu nữa.
Hay sử dụng biện pháp đấu tranh bằng pháp lý, kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế? Hà Nội chỉ mới dọa mồm, còn kiện thật thì chắc cũng phải đến...tháng không rằm (!) Mà dẫu có kiện thì thời gian để chuẩn bị, tiến hành, xét xử cũng còn lâu. Từ đây tới đó Trung Cộng thừa sức tính thêm vài miếng võ hiểm nữa, như tấn công chớp nhoáng cướp thêm vài hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam ở Trường Sa, chẳng hạn!
Hay liên minh quân sự với phương Tây, với Hoa Kỳ? Cái này thì Bắc Kinh thừa biết Hà Nội chả dám.
Còn dư luận quốc tế? Hãy xem những ngày qua có được bao nhiêu quốc gia lên tiếng ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ? Báo chí truyền thông Việt Nam cứ giật tít, đưa tin hết nước này nước khác, rồi nào Mỹ lên tiếng, Tổng Thống Obama lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Nhưng nói thật, toàn là các vị nhà mình cố thổi phồng lên, chứ thế giới chả quan tâm lắm đến hai thằng cộng sản hục hặc nhau đâu.
Nếu bây giờ Tàu lại đánh Việt Nam, ai sẽ hỗ trợ, sẽ cứu Việt Nam? Chả có ai cả.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa ta càng hù dọa ta, rồi càng khiếp sợ, bạc nhược thêm lên. Thật ra, các ông lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam phải thấy rằng từ trước đến nay mọi sự thua thiệt, thất thế, nguy cơ trong mối quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước cộng sản Việt-Trung cũng do Việt Nam một phần lớn mà ra.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã quá ngây ngô, mù quáng tin tưởng vào Trung Cộng, đã tự trói mình vào những cái bẫy như “tình hữu nghị,” “vì đại cục,” “vì sự ổn định, hòa bình giữa hai nước”... Rồi lại tự hù dọa về sức mạnh của Trung Quốc, về những thiệt hại nếu thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc...nên càng khiếp nhược, không dám làm bất cứ điều gì để thay đổi tình hình.
Chưa kể, vì không có tầm nhìn chiến lược, không nhìn ra mưu sâu của tập đoàn Trung Nam Hải, nên cứ rơi vào tình trạng nếu không bất ngờ (như cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979) thì cũng bị động, chỉ lo đỡ đòn, phản ứng thì hết sức chậm chạp.
Nếu bình tĩnh suy xét, chúng ta sẽ thấy rằng: Nếu Trung Quốc đã thản nhiên vứt bỏ mối quan hệ hữu nghị giữa hai bên, kể cả hy sinh cái lợi có được một Việt Nam hết mực trung thành thay vì đẩy Việt Nam về phía các nước đối nghịch, thì Việt Nam cố giữ có được không?
Nếu Trung Quốc đã quyết chiếm biển Ðông vì đó là “lợi ích cốt lõi,” là lối thoát và sự khẳng định vị thế cường quốc của họ, chúng ta nhịn nhục, Trung Quốc có tha cho? Hay là nếu Trung Cộng đã muốn đánh, muốn cướp thì họ sẽ cứ làm, một khi thời cơ tới?
Như vậy sự nhịn nhục không có ích gì, mà rõ ràng như từ trước đến nay, chỉ có ngư dân Việt Nam khổ, người Việt Nam khổ, lãnh thổ lãnh hải bị mất dần mà thôi.
Nhưng nếu không nhịn, cứ đánh nhau, Việt Nam có thắng được Trung Cộng không?
Ðừng tự tin rằng trước đây ta thắng hai “đế quốc” to là Pháp và Mỹ, ta đã từng thắng Tàu nhiều lần và giành lại được độc lập sau một ngàn năm bị đô hộ, từng gây khó cho Trung Cộng trong cuộc chiến biên giới 1979 đến mức cho dù có muốn, Trung Cộng cũng không thể mở rộng, kéo dài cuộc chiến tranh...Có nghĩa là bây giờ ta lại có thể chiến thắng.
Lý do vì sao miền Bắc có thể “thắng” trong 2 cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ, chúng ta đã biết, có lẽ không cần phải nhắc lại. Còn tình thế, tương quan lực lượng, vũ khí, tiền bạc, vấn đề đồng minh...giữa hai bên Việt-Trung bây giờ như thế nào cũng đã rõ.
Và cũng đừng quên trong cả hai cuộc chiến, “bên thua cuộc” là Pháp, Mỹ chỉ thiệt hại một còn Việt Nam, “bên thắng cuộc,” thiệt hại gấp mười lần. Cái giá của chiến thắng là cực kỳ đắt, đổi bằng cả núi xương máu đồng bào và đất nước tan hoang, tụt hậu hàng chục năm.
Cho nên, ai cũng hiểu, Việt Nam phải tránh để xảy ra thêm một cuộc chiến nữa. Nhưng né chiến tranh bằng con đường khuất phục kẻ xâm lược, đánh đổi chủ quyền, mất biển mất nước, thì không phải là sự đánh đổi mà người dân Việt chấp nhận, chỉ trừ một thiểu số nào đó đang manh nha muốn làm Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc...
Trước mắt, Việt Nam chỉ tránh được sự lấn lướt, xâm lược dần dần của Trung Cộng nếu có bạn bè, đồng minh, và về lâu dài, nếu Việt Nam là một quốc gia tự do dân chủ, giàu mạnh, như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Từ trước đến nay, đối diện với Trung Cộng, nhà cầm quyền Việt Nam đã tự làm cho họ trở nên yếu hơn bởi những nỗi sợ chưa thể vượt qua.
Thứ nhất, sợ Trung Quốc. Sợ vì tình hữu nghị. Vì những món nợ ràng buộc từ thời chiến tranh. Kể cả những thỏa thuận, ký kết trong những lần “đi đêm” giữa hai bên chưa được công khai, minh bạch cho nhân dân và thế giới biết. Và vì Trung Quốc lớn mạnh hơn.
Tình hữu nghị như đã nói, hoàn toàn có thể chấm dứt sau bao nhiêu cách xử sự của Trung Quốc đối với Việt Nam lâu nay. Món nợ nếu có, cũng đã trả đủ bằng chính xương máu người Việt cho một cuộc chiến có lợi cho cả Trung Quốc và bằng tất cả những gì Việt Nam có sau chiến tranh.
Còn Trung Quốc lớn mạnh nhưng như bao nhiêu chuyên gia về chính trị trong ngoài nước cũng đã phân tích, Trung Cộng có rất nhiều điểm yếu, nhiều tử huyệt, và nếu Việt Nam có bạn bè, đồng minh thì chẳng có gì phải sợ hãi.
Thứ hai, sợ dân. Mọi nhà nước độc tài trong đó có Việt Nam đều coi thường dân đồng thời sợ dân. Họ sợ dân vì đã hành xử với dân không ra gì bao lâu nay, vì đã hưởng quá nhiều bổng lộc, ưu đãi trong khi đại đa số nhân dân vẫn đang sống trong nghèo khổ, lầm than, bất công...Và càng sợ dân thì họ càng ra sức bịt mồm bịt miệng, đàn áp dân.
Chỉ có một cách thay đổi cách đối xử với nhân dân, trả lại cho nhân dân mọi quyền tự do dân chủ, quyền làm người mà dân đáng ra phải được hưởng, thì họ sẽ lại có được sự ủng hộ của nhân dân, mà có sức mạnh của nhân dân lo gì không đương đầu được với Tàu?
Thứ ba, sợ dân chủ. Vì sợ dân chủ nên sợ thay đổi mô hình thể chế chính trị, sợ liên minh với các nước dân chủ đứng đầu là Hoa Kỳ. Có thể nói, trong ba điều, với nhà cầm quyền Việt Nam, cái sợ này là lớn nhất.
Nhưng nếu nhìn sang Myanmar, họ sẽ thấy nếu tự mình thoát ra, họ chẳng mất gì, lại còn được rất nhiều.
Tất nhiên, khi đất nước thay đổi, trong chế độ mới những ai kém tài kém đức sẽ phải ra đi, nhường chỗ cho những người xứng đáng hơn, nhưng ít ra họ cũng giữ được tính mạng, có thể tài sản, không hơn bị nhân dân “tức nước vỡ bờ,” vùng dậy lật đổ hay sao?
Tóm lại, mọi nỗi sợ chủ yếu là do nhà cầm quyền Việt Nam tự hù dọa mình mà thành ra nặng nề hơn gấp bội.
Vấn đề bây giờ là họ phải thoát ra, như người tự trút gánh nặng trên vai. Khi đó họ sẽ có tất cả-từ sức mạnh nội lực của việc đi đúng đường, có nhân dân, bạn bè, đồng minh....và mối nguy từ Trung Cộng sẽ không còn quá đáng ngại nữa.
Song Chi
Theo báo Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét