Trả lời hãng tin Bloomberg từ Hà Nội hôm qua, ông Nguyễn Tấn Dũng, 64 tuổi, cho biết : « Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng cho hành động pháp lý. Chúng tôi đang cân nhắc thời điểm thích hợp nhất để tiến hành biện pháp này ». Tuyên bố này được đưa ra bốn ngày sau khi một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh tự tiện cho đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981.
Theo Bloomberg, Thủ tướng Việt Nam đối mặt với áp lực từ người dân đòi hỏi phải có phản ứng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Nếu chọn giải pháp khởi kiện, cũng có nguy cơ gây thiệt hại đến nền kinh tế đang lệ thuộc chặt chẽ vào người láng giềng khổng lồ. Trao đổi thương mại hai chiều năm ngoái đạt 50,2 tỉ đô la, chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam, và dự định tăng lên 60% trong năm 2015.
Tuy nhiên giải pháp pháp lý sẽ giúp tăng thêm áp lực tiếp theo đơn kiện của Philippines, nhằm buộc Bắc Kinh chấp nhận để trọng tài quốc tế phân xử về chủ quyền tại Biển Đông, nơi Trung Quốc đang tăng cường hoạt động để cố kiểm soát vùng biển giàu tài nguyên dầu khí và hải sản. Theo Bloomberg, thành công của Bắc Kinh trong việc chiếm lấy bãi cạn Scarborough càng cho thấy hậu quả đối với các nước từ Nhật Bản cho đến Việt Nam trước yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo, nếu xung đột nổ ra tại Biển Đông, tuyến đường hàng hải nơi mà hai phần ba thương mại toàn cầu phải đi qua, « sẽ không có ai thắng cả, mà tất cả mọi bên đều thua thiệt. Nền kinh tế thế giới sẽ bị tổn thương và thiệt hại không thể kể xiết ».
Bloomberg nhắc lại, trong cuộc tiếp xúc với Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Cardin tuần rồi tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam cũng đã kêu gọi Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ hơn lên án Trung Quốc. Ông nói : « Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có những đóng góp cụ thể và hiệu quả hơn cho hòa bình và ổn định khu vực. Hoa Kỳ là cường quốc toàn cầu đồng thời là cường quốc châu Á-Thái Bình Dương ».
Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh
|
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo được thông tín viên của RFI tại Singapore ghi nhận, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho biết :
« Đưa ra cơ quan tài phán quốc tế thì liệu Trung Quốc có rút giàn khoan không ? Cái này có lẽ là Trung Quốc sẽ cân nhắc thôi. Về phía Việt Nam thì chúng tôi phải cân nhắc, tính toán làm sao cho nó có lợi cả về bảo vệ chủ quyền, nhưng có lợi trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc ; cũng giữ hòa bình ổn định và cũng theo đúng tinh thần của luật pháp quốc tế thôi. Chứ còn việc rút hay không, theo tôi nghĩ thì quyết định đó thuộc về phía Trung Quốc. Nhưng mà chúng tôi thì đề nghị Trung Quốc sớm rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ».
Tiếp tục nỗ lực ngoại giao, phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc hôm 28/05 đã gởi thư cho Tổng thư ký Ban Ki Moon. Lá thư đề nghị cho lưu hành Công hàm phản đối Trung Quốc không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, như một tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 68.
Trên thực địa, mặc dù đã di chuyển giàn khoan ra xa 23 hải lý, nhưng các tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc vẫn ở lại vị trí cũ và sẵn sàng tấn công tàu Việt Nam. Hôm nay các tàu cá Trung Quốc tập trung từng nhóm khoảng 50 chiếc liên tục bao vây, đâm vào các tàu của ngư dân Việt Nam đang hoạt động xung quanh giàn khoan đặt trái phép này.
Thụy My
Theo RFI
0 nhận xét:
Đăng nhận xét