Trước đây, nhiều nhà quan sát từng tin rằng với thế lực của mình Ấn Độ sẽ đóng một vai trò khá quan trọng trong việc kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có thông tin của hãng Reuters đưa vào tháng 1.2014 rằng chính phủ Ấn Độ đang dần đi đến kí kết hợp đồng mua máy bay chiến đấu trị giá 1,65 tỷ USD của Nhật Bản. Chính thương vụ này được xem sẽ giúp tiếp tục thúc đẩy quá trình nối lại quan hệ giữa New Delhi và Tokyo trong những năm gần đây và sẽ làm phiền lòng Trung Quốc. Song song đó, Mỹ còn xúc tiến đặt các cơ sở quân đội và tình báo tại Ấn Độ với lý do gia tăng hiệu quả của chiến dịch chống khủng bố nhằm vào al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác sau khi quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan. Điều này cho thấy chỉ dấu “xoay trục” của Mỹ là rất rõ ràng, Washington đang tập trung củng cố mối quan hệ chiến lược với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, và khi tranh chấp xảy ra trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, Mỹ đã tỏ thái độ khá rõ ràng khi cho rằng chính Trung Quốc là nước gây hấn. Cũng chính việc “quá tay” của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền đã làm rõ hơn về vai trò của Nhật Bản tại khu vực nhạy cảm này.
Vào ngày 30.5 này, một diễn đàn dành cho các chuyên gia quốc phòng và an ninh đến từ châu Á, bao gồm Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Mỹ, và Australia và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có bài diễn văn quan trọng tại diễn đàn có tên Đối thoại Shangri-La. Bài diễn văn của ông Abe được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh vào pháp quyền và phản đối việc thay đổi trạng thái bằng vũ lực, vốn là ngôn từ chính mà Tokyo sử dụng để chỉ trích Bắc Kinh. Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời ông Abe phát biểu trước nghị viện vào thứ Năm rằng: “Căng thẳng đang gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương. Tôi muốn gửi thông điệp đến thế giới về vai trò chủ động của Nhật Bản đối với hòa bình dựa trên hợp tác quốc tế”.
Ngoài ra ông Abe sẽ giải thích những nỗ lực của ông nhằm dỡ bỏ lệnh cấm tham chiến bên ngoài của quân đội Nhật từ sau Thế chiến II và chắc chắn sẽ được nhiều quốc gia đồng tình bởi mong muốn tiềm lực quân sự của Nhật mạnh lên để làm đối trọng với một Trung Quốc hung hăng đang thực hiện ý đồ chiếm toàn bộ Biển Đông.
Nhật Bản có nhiều tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông và lập trường của họ là khá cứng rắn, trong khi đó khối ASEAN lại khá lỏng lẻo, nhiều nước ngã theo hoặc không lên tiếng bởi sợ phật lòng Trung Quốc. Chính vì vậy theo nhận xét, các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc, cụ thể là Philippines, Việt Nam, Indonesia sẽ ủng hộ Nhật Bản.
Một thông tin từ trang mạng ChannelNewsAsia cũng cho biết khi trình bày trước Quốc hội Nhật về kế hoạch mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), Thủ tướng Abe bày tỏ sự quan tâm sâu sắc trước khả năng Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để thay đổi tình trạng hiện nay ở Biển Đông. Phiên trình bày này được truyền hình trực tiếp ở Nhật. Tại đây, ông Abe lưu ý, chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần trong 10 năm qua; và ngân sách quân sự của Trung Quốc trong năm nay vào khoảng 132 tỉ đô la Mỹ, gấp hơn 2,5 lần so với mức 49 tỉ đô la mà Nhật Bản dự chi.
Thủ tướng Abe nói, mặc dù Nhật Bản vẫn làm việc chặt chẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để bảo đảm luật pháp quốc tế được tuân thủ trong những vụ tranh chấp lãnh thổ, nhưng việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và những căng thẳng diễn ra gần đây đã làm nổi bật nhu cầu mở rộng vai trò của lực lượng phòng thủ Nhật Bản.
Ông Abe cũng tiết lộ, do căng thẳng với Trung Quốc leo thang, Philippines và Việt Nam đều yêu cầu Nhật cung cấp tàu tuần tra duyên hải, nhưng hiện thời Nhật chưa đáp ứng được yêu cầu này vì nhiều lý do khác nhau.
VIỄN KIỀU
0 nhận xét:
Đăng nhận xét