Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014


Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trờ nên hung hăng trong khu vực, Hà Nội và Washington dường như đang ngã lại gần nhau hơn.

Căng thẳng giữa hai nước Việt–Trung vẫn tiếp tục trên đà căng thẳng sau sự cố chìm tàu ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra ngày hôm qua. Việt Nam cáo buộc tàu cá Trung Quốc đâm tàu của họ trong khi Trung Quốc bác bỏ và đổ lỗi cho phía Hà Nội. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc trong vùng biển mà hai nước đang có tranh chấp chủ quyền.

Trong vài ngày vừa qua, Hoa Kỳ đã khá sẵn sàng trong việc hỗ trợ cũng như giúp Việt Nam lên án Bắc Kinh, mặc dù Hà Nội (không giống như Nhật Bản và Philippines) không phải là nước đồng minh của Washington. Ngày hôm qua, khi được hỏi để làm rõ về quan điểm trong vụ căng thẳng Trung Quốc – Việt Nam,phát ngôn viên Bộ Ngoại giao phát Jen Psaki nói rằng “hành động khiêu khích phần lớn đến từ phía Trung Quốc”. Trước đó, Psaki mô tả vị trí giàn khoan dầu của Trung Quốc như một phần của “mô hình di chuyển đơn phương do Chính phủ Trung Quốc áp đặt trong khu vực”. Mặc dù Hoa Kỳ cố gắng duy trì tính trung lập về vấn đề chủ quyền nhưng phần lớn các quan chức cho rằng Hoa Kỳ không chấp những nỗ lực của Trung Quốc đối với việc phát huy quyền kiểm soát trong khu vực tranh chấp này.

Với những lời lẽ thân thiện đến từ Washington, Việt Nam bắt đầu tìm kiếm cơ hội để củng cố vị trí của mình bằng việc tiến gần hơn với Hoa Kỳ. Carl Thayer đã viết trên mục Flashpoints ngày hôm qua rằng Việt Nam hiện có rất ít lựa chọn chiến lược trước vấn đề tranh chấp với Trung Quốc – và phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực dường như là một chiến lược đúng đắn.

Thứ Tư tuần trước, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry về các vụ đụng độ đang diễn ra ở Biển Đông. Ông Minh đã chỉ ra vị trí của Việt Nam và theo Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thì giữa hai bên [ông Kerry và Minh] đã đạt được một thỏa thuận đáng kể. “Ông Kerry đánh giá cao việc Việt Nam tự kiềm chế cũng như thiện chí của Việt Nam trong việc sử dụng các biện pháp ôn hòa và các kênh đối thoại”, ông Minh cho biết trong một bản tóm tắt cuộc trò chuyện giữa hai người.

Việt Nam và Hoa Kỳ hiện cũng đang củng cố hợp tác trong một số các lĩnh vực khác, đặc biệt giữa lúc Hà Nội ngày càng cảm thấy khó chịu vì các hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp. Vào ngày 20 tháng Năm vừa qua, Việt Nam tuyên bố sẽ tham gia Sáng kiến An ninh Phổ biến vũ khí (Proliferation Security Initiative – PSI), một động thái mà Hoa Kỳ hoan nghênh. Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với ông Kerry, ông Minh cũng nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế đang ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và hứa sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong tương lai. Việt Nam “sẵn sàng phối hợp với Hoa Kỳ để triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không thể hoàn toàn phụ thuộc vào cuộc khủng hoảng giàn khoan ở Biển Đông. Việt Nam đã trở thành một mục tiêu quan trọng của Hoa Kỳ trong chính sách “tái cân bằng tại châu Á” kể từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Obama. Trong khi Washington và Hà Nội nêu bật sự phát triển trong mối quan hệ kinh tế cũng như giữa nhân dân hai nước thì vấn đề Biển Đông luôn luôn được mang ra bàn thảo. Lần đầu tiên Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đề cập đến vấn đề này khi bà ghé thăm Việt Nam hồi năm 2010 và khẳng định Hoa Kỳ muốn các nước trong khu vực giải quyết những tranh chấp một cách êm đẹp.

Kể từ đó, các chuyến thăm qua lại giữa các quan chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở nên thường xuyên hơn, và sự kiện được chú ý nhiều nhất là chuyến thăm Nhà Trắng của Chủ tịch Trương Tấn Sang hồi tháng Bảy năm ngoái. Tại cuộc họp đó, Obama và Sang đã thông báo thành lập mối “quan hệ đối tác toàn diện” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Một phần của thỏa thuận này là hai nước hứa hẹn sẽ tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và tái khẳng định sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa. Các cuộc gặp gỡ sau đó đã được cả Hoa Kỳ và Việt Nam tìm cách đề cập đến vấn đề Biển Đông vào các bản tuyên bố chung giữa hai nước.

Hợp tác Mỹ – Việt không chỉ giới hạn đối với vấn đề Biển Đông nhưng vụ tranh chấp hiện nay có thể là yếu tố lớn nhất thúc đẩy Hà Nội và Washington xích lại gần nhau hơn. Quyết định tham gia các sáng kiến đa phương do Hoa Kỳ hậu thuẫn, từ PSI đến Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đều gần như được gắn liên với niềm hy vọng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ – một cách để Việt Nam tự bảo vệ mình trước các hành động hung hăng của Trung Quốc.

Hà Nội thậm chí còn có nhu cầu tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ hơn phía Nga – một đối tác truyền thống của Việt Nam – giữa lúc Moscow vẫn giữ thái độ im lặng về vụ tranh chấp giàn khoan dầu ở Biển Đông. Moscow đang chuẩn bị hổ trợ cho Hà Nội về các dịch vụ thương mại cũng như đầu tư và thậm chí cả tàu ngầm loại Kilo, nhưng dường như Moscwo không công khai ủng hộ về các vụ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần tìm kiếm những nước khác để có thêm sự ủng hộ trên trường quốc tế, và Washington là đối tác có tiềm năng cũng như có nhiều ảnh hưởng nhất.

Trong khi đó, nhìn từ quan điểm của Hoa Kỳ thì gia tăng mối quan hệ với Việt Nam là một trong những cách hứa hẹn nhất để mở rộng chính sách “tái cân bằng tại châu Á” vượt ra ngoài khuôn khổ các nước đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ. Các nhà phê bình lập luận rằng chính sách tái cần bằng chỉ đơn giản là một chiến lược nhằm cải thiện các mối quan hệ liên minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Và nếu Washington càng tiến gần với phía Hà Nội thì họ có thể bác bỏ những lời chỉ trích đó một cách dễ dàng, mặc dù chiến lược này chỉ làm Bắc Kinh ngày càng trở nên lo lắng nhiều hơn.

Shannon Tiezzi
The Diplomat, 29-5-2014
Anh Khôi chuyển ngữ,
Theo CTV Phía Trước

0 nhận xét:

Đăng nhận xét